- Phần 1: Hiểu về da và cơ chế làm trắng da(http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/03/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-1-hieu.html)
- Phần 2: Các chất làm trắng da KHÔNG an toàn(http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/03/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-2-cac.html)
- Phần 3: Các chất làm trắng da TỰ NHIÊN & AN TOÀN (http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/04/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-3-cac.html)
6. Đừng để quân mình đánh quân ta!
Các chất tốt và an toàn cho việc làm trắng da mà LoTA đã nói ở phần 3 đều là những chất gốc tự nhiên, tuy nhiên không phải cứ cho tất cả vào 1 sản phẩm là bạn sẽ có một sản phẩm “thiên hạ vô địch”. Nếu bạn kết hợp không đúng hoặc không nằm trong tỷ lệ phù hợp thì các chất đó sẽ trở nên vô hiệu hoặc thậm chí còn gây ra tác dụng xấu. Nếu muốn thoa nhiều lớp thì bạn cũng phải lưu ý các thành phần và nên đợi ít nhất 30 phút để da trở lại độ pH cân bằng, nhưng tốt nhất ko nên bôi quá nhiều lớp dưỡng một lúc.
Xoay quanh vấn đề kết hợp – không nên kết hợp chất nào với nhau trong cùng 1 sản phẩm thì hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều chưa có hồi kết và rất nhiều điều cần lưu ý, do đó, những gì LoTA viết ra ở đây, trong khuôn khổ một bài chia sẻ ngắn, sẽ là những gì thường gặp nhất (chứ ko phải tất cả) dựa kinh nghiệm cá nhân đúc kết được trong quá trình học tập, nghiên cứu và làm việc thực tế.

(image source: http://qiqiacnetreatment.com)
6.1. L-ascorbic acid và Niacinamide
L-ascorbic acid là hình thức trong tự nhiên của vitamin C, trong khi Niacinamide là hình thức -amide của niacin hay vitamin B3 như đã đề cập ở phần 3. Khi pha trộn với nhau trong dung dịch nước (vì cả hai đều là các vitamin tan trong nước), chúng tạo thành một hợp chất 1:1 có thể khiến cả hai loại Vitamin trở nên vô dụng.
Hơn nữa, hợp chất này có độ pH tối đa là 3.8, trong khi L-ascorbic acid cần có độ pH từ 3.5 trở xuống để có thể hoạt động và hấp thụ vào da. Do đó, việc tương tác giữa 2 loại Vitamin này trong cùng 1 sản phẩm có thể gây hậu quả ức chế nhau.
6.2. Vitamin C và Alpha Hydroxy Acids
Khi tìm kiếm những lời khuyên chống lão hóa hay dưỡng trắng da, các bạn cũng có thể đã nghe nói rất nhiều về Alpha hydroxy Acids (AHA) như Glycolic acid, Citric acid, Lactic acid… Chúng thường được sử dụng để điều trị nếp nhăn và trắng da bằng cách tẩy tế bào chết. Vấn đề là Vitamin C và Alpha Hydroxy Acids đều là những chất gốc acid (acid-based), vì vậy, khi kết hợp cả 2 chất này có thể tăng khả năng gây kích ứng da nhạy cảm, bong da và đỏ rát.
Ngoài ra, vitamin C cũng rất nhạy cảm với độ pH, trong khi AHA có thể thay đổi độ pH và làm giảm sức mạnh chống oxy hóa của Vitamin C, có nghĩa là nó sẽ không có hiệu quả nữa.
6.3. Vitamin C và Copper Peptides
Cả Vitamin C và Copper Peptide đều rất hiệu quả khi dùng để tăng sản sinh collagen và elastin trong da. Tuy nhiên, khi bạn kết hợp hai loại, chúng sẽ ức chế nhau, trở thành những thành phần vô hiệu.
6.4. Retinoids và Alpha Hydroxy Acids
Retinoids là những hợp chất hóa học có nguồn gốc từ vitamin A. Chúng được sử dụng chủ yếu như các chất chống lão hóa và cũng giúp trong việc điều trị mụn và đốm nâu. Retinoids tẩy các tế bào da chết và làm tăng lượng tế bào, do đó hiệu quả trong cuộc chiến chống các dấu hiệu lão hóa da và mụn trứng cá.
Alpha hydroxy Acids (AHA) như Glycolic acid, Citric acid, Lactic acid… thường được tìm thấy trong trái cây và sữa giúp làm bong các tế bào da chết. Tuy nhiên, khi AHA được kết hợp với retinoids sẽ có thể kích thích phát sinh nhiều kích ứng, đỏ rát, bong tróc...
Vì vậy, các bạn nên sử dụng chúng vào những ngày khác nhau.
6.5. Retinol và Benzoyl Peroxide
Nhiều người trưởng thành bị mụn sử dụng benzoyl peroxide – một chất giúp bong lớp tế bào chết để làm sạch lỗ chân lông và giảm các vi khuẩn gây mụn. Tuy Retinol và Benzoyl Peroxide là những thành phần tuyệt vời khi nói đến việc trị mụn trứng cá nhưng khi kết hợp cùng nhau, chúng có thể dẫn đến một số vấn đề như bị mẩn đỏ, khô rát, bong tróc, thậm chí để lại sẹo hoặc bị phồng rộp.
Nếu bạn muốn sử dụng cả hai thì tốt nhất là nên luân phiên hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để làn da của bạn không phải chịu quá tải.
6.6. Retinol và SPF
Như chúng ta đều biết kem chống nắng có SPF che chở da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, lẽ dĩ nhiên chúng ta chỉ sử dụng kem chống nắng vào ban ngày khi da phải tiếp xúc với ánh nắng. Trong khi đó, Retinol làm cho làn da của chúng ta nhạy cảm hơn với tia UV nên được khuyên dùng vào ban đêm, hoặc trong mùa đông và mùa thu ở những người đặc biệt nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Như vậy, trộn Retinol với kem chống nắng để sử dụng ban ngày không phải là một ý tưởng tốt, đặc biệt là khi bạn cần sự bảo vệ của SPF.
Để kết thúc loạt bài này, LoTA xin nhắc lại một lần nữa 3 nguyên tắc khi bạn dùng sản phẩm làm trắng da an toàn:
- Không nóng vội.
- Không nóng vội.
- Vẫn là… không nóng vội!
Điều đó nghĩa là các bạn đừng mong đợi kết quả trắng da ấn tượng trong vòng một vài tuần sử dụng/bổ sung các chất kể trên, cho dù là các chất tốt thuộc hàng top. Tùy vào tình trạng da hiện tại, cơ địa của mỗi người và môi trường sống mà bạn phải đợi ÍT NHẤT 1 tháng để có thể thấy những thay đổi (nhỏ) đầu tiên.
Ngoài ra, các bạn đừng hỏi là sản phẩm có làm da bắt nắng hay không. Bởi vì dù thế nào đi nữa, khi ra ngoài bạn bắt buộc cần phải dùng kem chống nắng cho cả mặt thì mới mong việc dưỡng trắng da hiệu quả.
Các thành phẩn tự nhiên an toàn không khiến bạn lệ thuộc vào sản phẩm, không bào mòn da. Điều đó không có nghĩa là khi bạn ngưng dùng sản phẩm và bỏ bê chăm sóc thì da vẫn trắng đẹp đâu nhé! Cái đẹp tỷ lệ thuận với sự siêng năng chăm sóc đúng cách.
Tốt nhất các bạn nên nghĩ rằng khi sử dụng những chất tự nhiên kể trên là một cách bồi bổ sức khỏe cho cơ thể, trong đó có sức khỏe của da và một trong số đó là cải thiện sắc tố da. Chúng không chỉ đơn thuần là chất làm trắng da, mà còn là những chất chống oxy hóa quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Nên nhớ một sức khỏe tốt và làn da khỏe mạnh chắc chắn sẽ làm bạn hạnh phúc hơn một làn da trắng mà yếu.
-----------------------------------------------------------------------
- Phần 1: Hiểu về da và cơ chế làm trắng da (https://www.facebook.com/notes/1631118600456775/)
- Phần 2: Các chất làm trắng da KHÔNG an toàn(https://www.facebook.com/notes/1632987836936518/)
- Phần 3: Các chất làm trắng da TỰ NHIÊN & AN TOÀN (https://www.facebook.com/notes/1635353840033251/)
(Bài viết này là kiến thức của LoTA học hỏi và tự mình viết ra, không sao chép từ bất kỳ nguồn nào (hình ảnh tìm trên mạng đều có ghi rõ link). Mọi người vui lòng không sao chép, trích dẫn dưới mọi hình thức mà chưa có sự đồng ý của LoTA. Xin cảm ơn!)
Đăng nhận xét