- Phần 1: Hiểu về da và cơ chế làm trắng da (http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/03/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-1-hieu.html)
- Phần 3: Các chất làm trắng da TỰ NHIÊN & AN TOÀN (http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/04/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-3-cac.html)
- Phần 4: Những thành phần KHÔNG nên kết hợp trong cùng 1 sản phẩm (hết) (http://lotahandmadeshop.blogspot.com/2015/04/lam-trang-da-toan-hieu-qua-phan-4-nhung.html)
4. Các chất làm trắng da KHÔNG an toàn (rất nguy hiểm)
4.1. Hydroquinone (benzene-1,4-diol, dihydroxybenzene, quinol, HQ)

(image source: http://www.thedermablog.com)
Đây là một chất từng được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc điều trị chứng tăng sắc tố mô trong hơn 50 năm và cũng thành công trong việc trị chứng bệnh hắc tố. HQ là một hợp chất phenol và là hoạt chất giảm sắc tố chủ yếu tác động lên các tế bào melanocyte (tế bào tạo hắc tố melanin) bằng cách ức chế enzyme tyrosinase.
Tuy HQ giúp tẩy nám, tàn nhang, làm trắng nhanh, nhưng do có khả năng làm mất hắc tố Melanin vĩnh viễn (hủy luôn tế bào melanocyte tạo hắc tố) nên nếu dùng quá độ sẽ bị tai biến, da bị mất khả năng phòng vệ tự nhiên với ánh nắng dẫn đến ung thư da, hoặc gây nên bệnh da xám nâu (Ochronosis - đây là bệnh do lắng đọng sắc tố xanh đen, không hồi phục được. Kết quả vùng da thoa thuốc sẽ bị xám, xanh, đen.)
HQ đã bị Liên minh châu Âu cấm dùng trong hóa mỹ phẩm từ năm 2000 vì bị cảnh báo là chất có khả năng gây ung thư (24th Dir 2000/6/EC). Nhật Bản và Úc cũng đã cấm sử dụng HQ. Tại Mỹ, từ năm 2006, FDA chỉ cho phép dùng HQ trong các sản phẩm bôi ngoài da nhưng không được quá 2% và nhiều nhất là 4% bắt buộc phải có kê toa của bác sĩ.
Tuy nhiên theo trang phunuonline đưa tin, ở VN, các dòng làm trắng sáng hay đặc trị da bị nám, đốm nâu, sạm màu có chứa hydroquinone hiện vẫn được rao bán rất nhiều trên mạng và tại các cửa hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện, spa, chợ, siêu thị... Hàng được nhập khẩu chính thức và cả “xách tay” từ bình dân đến cao cấp. Chẳng hạn như Obagi, được nhiều chị em xem như “thần dược” trị nám. Thành phần của sản phẩm này có chứa hoạt chất hydroquinone 4%. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt những sản phẩm khác cũng chứa thành phần hydroquinone như: sản phẩm điều trị nám Neova Complex HQ Plus (hydroquinone 4%), sản phẩm làm trắng da Lightening Serum GloProfessional (hydroquinone 2%), bộ sản phẩm Sakura Whitening có chứa hydroquinone và một loạt các axit mang tính tẩy mạnh nhưng không ghi rõ hàm lượng…
4.2. Corticoid

(image source: http://www.hartrescue.org)
Đây là một chất mà có lẽ được biết đến khá nhiều ở VN trong các loại mỹ phẩm làm trắng da, trị mụn và cả giảm đau. Vô vàn biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm của corticoid đã được đề cập đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy với một cú click chuột nên ở đây LoTA chỉ tóm tắt ngắn gọn.
LoTA còn nhớ cách đây hơn chục năm, có một loại thuốc giảm đau khá phổ biến là Dexamethasone, nhiều người quen gọi là viên "đề xa", một loại thuốc corticoid, giá rẻ và được nhiều người ưa chuộng vì uống vào thấy "hết bệnh" ngay, nhưng khi ngưng dùng thì bệnh tái phát, hiện nay đã vắng bóng khá lâu trên thị trường.
Corticoid là những nội tiết tố (hormone) do vỏ nang thượng thận (cortico-surrénale) tiết ra, có cấu trúc hóa học steroid nên được gọi tắt là nhóm thuốc corticoid. Ðến nay người ta đã tổng hợp được rất nhiều nhóm thuốc steroid (những tên khoa học của thuốc nhưHydrocortison, Prednison, Betamethason, Dexamethason, Prednisolon... cho thấy các nhóm thuốc này rất đa dạng, nhiều chủng loại và mỗi loại lại có rất nhiều tên thương mại khác nhau) kéo theo tình trạng lạm dụng thuốc rất phổ biến.
Nếu như ở một số nước khác, corticoid bị coi như thuốc độc, được quản lý và sử dụng rất thận trọng, thậm chí bị cấm, thì thuốc này ở VN và một số nước Châu Á (như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ...) lại được bán tự do (rẻ tiền), tràn lan, người dân có thể mua dễ dàng như mua... cá. Do vậy, người ta không chỉ lạm dụng thuốc này trong điều trị bệnh mà còn lạm dụng vào các lĩnh vực như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... gây hại cho sức khỏe người dùng.
- Corticoid nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây nên tình trạng suy giảm sức đề kháng ở người bệnh, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây bệnh, khi bị bệnh thường nặng hơn và có diễn biến nhanh hơn so với những người bình thường. Các biến chứng nặng nề như: suy thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, nổi mụn khắp cơ thể, nám da, mọc ria mép, mặt phù nề...
- Việc lạm dụng corticoid làm ức chế tuyến thượng thận sản sinh các hormone corticosteroid - có chức năng chuyển hóa các chất đường, muối, đạm... duy trì các chức năng sống của cơ thể, khiến cơ thể buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn corticoid ngoại sinh.
- Corticoid có nhiều trong mỹ phẩm làm trắng & trị mụn (thường là các loại kem trộn, tắm trắng, các loại mỹ phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc được quảng cáo là kem Thái, kem Nhật, kem VN...) lúc đầu xài thì mụn biến mất rất lẹ, da trắng rất nhanh nhưng sau đó 1 thời gian (chỉ vài tháng chứ ko cần quá lâu) sẽ gây nên tình trạng da xuất hiện nám nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn, mẫn cảm với mọi thứ, da mỏng đi, hiện nhiều gân máu xanh dưới da, nổi mụn trứng cá tràn lan ko kiểm soát… Một khi đã phát tác thì việc chữa trị là cực kỳ khó khăn và rất lâu mà da cũng không thể nào trở lại khỏe mạnh như ban đầu.
Tóm lại, nếu bạn đọc thấy trong thành phần mỹ phẩm có tên Corticoid hoặc các tên khác như trên thì tốt nhất là bỏ đi ngay và luôn nhé vì như một vị bác sĩ từng cảnh báo Corticoid là "con dao 2 lưỡi mà lưỡi nào cũng sắc". Bạn đừng bao giờ có suy nghĩ là "xài lâu mới bị tác hại, mình xài dăm bữa nửa tháng chắc ko sao" hay "thấy nhiều người khác xài và khen/quảng cáo tốt lắm mà...". Nên nhớ bạn chỉ có 1 gương mặt và 1 tính mạng mà thôi, đừng liều!
4.3. Mercury (thủy ngân)

(image source: http://image.slidesharecdn.com)
Đây là một kim loại nặng bị xem là độc tố đối với sức khỏe và môi trường nhưng thường được dùng nhiều trong các loại kem, xà phòng làm trắng da, tẩy nám (như dạng vô cơ: ammoniac thủy ngân), các mỹ phẩm như sản phẩm tẩy trang mắt và mascara (như các hợp chất thủy ngân hữu cơ: thiomersal (ethyl thủy ngân) và muối phenyl thủy ngân được sử dụng như chất bảo quản) từ đầu những năm 1900.
Từ năm 1976, các nước châu Âu đã cấm dùng thành phần thủy ngân và các hợp chất thủy ngân trong mỹ phẩm (bao gồm cả xà phòng, lotion, dầu gội và sản phẩm tẩy trắng da). Tuy nhiên, Liên minh châu Âu cho phép sử dụng muối phenyl thủy ngân làm chất bảo quản mỹ phẩm trang điểm mắt và sản phẩm tẩy trang mắt, với nồng độ ≤0,007% tính theo trọng lượng.
Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ cho phép sử dụng các hợp chất thủy ngân trong mỹ phẩm trang điểm mắt ở nồng độ ≤65 mg/kg ở dạng thủy ngân (khoảng 100 mg/kg ở dạng acetat phenyl hoặc nitrat thủy ngân). Tất cả các mỹ phẩm khác có chứa thủy ngân phải ở nồng độ thấp hơn 1 mg/kg. (nguồn: http://t5g.org.vn)
Tuy nhiên các sản phẩm từ một số nước Châu Á, Nam Mỹ, Châu Phi thì vẫn còn chứa nhiều thủy ngân ở mức cao khủng khiếp do không được quản lý nghiêm ngặt.
Các muối thủy ngân ức chế sự hình thành Melanin, chính vì thế khiến da trắng sáng hơn. Tuy nhiên, thủy ngân là độc chất có thể xâm nhập vào trong cơ thể qua cả đường tiêu hóa lẫn tiếp xúc da.
Thủy ngân trong các sản phẩm làm trắng da thường vượt mức quy định đến mấy trăm ngàn lần gây ra hậu quả bên ngoài như phát ban, kích ứng da, sưng tấy da, mất màu da và sẹo, cũng như làm giảm sức đề kháng của da với vi khuẩn và nấm. Thủy ngân có thể hấp thu qua da khi tiếp xúc lâu dài (thực ra có khi chỉ cần 1-2 tháng) có thể gây tác hại nghiêm trọng với hệ thần kinh, dẫn đến chứng mệt mỏi, trầm cảm, chóng mặt, đau đầu, run tay, thậm chí phá hủy thận.
Thủy ngân trong mỹ phẩm sau khi xâm nhập vào cơ thể, được thải một phần qua mồ hôi, sữa mẹ và qua nước tiểu, từ đó thủy ngân xâm nhập vào môi trường và đi vào chuỗi thực phẩm dưới dạng methyl thuỷ ngân có độc tính cao trong cá. Phụ nữ mang thai ăn phải cá nhiễm độc sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, có thể dẫn đến khiếm khuyết phát triển thần kinh ở trẻ em.
Các bạn có thể nhận ra hàm lượng hoặc nồng độ thủy ngân trong một sản phẩm trong mục thành phần, dưới tên là thủy ngân, Hg, iodid thủy ngân, clorua thủy ngân, ammoniac thủy ngân, clorua amid thủy ngân, quicksilver, cinnabaris (sunfua thủy ngân), hydrargyri oxydum rubrum (oxit thủy ngân)...; hướng dẫn sử dụng ghi rằng tránh tiếp xúc với bạc, vàng, cao su, nhôm và đồ trang sức... cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của thủy ngân trong sản phẩm.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn (giá thành của mercury chỉ có khoảng 20usd/ 1kg, rẻ hơn rất rất rất nhiều lần so với các nguyên liệu organic như alpha-arbutin khoảng 1000usd/ 0,5kg) và vì tác dụng làm trắng nhanh trước mắt lừa người dùng mà các công ty bán những sản phẩm có chứa thủy ngân thường trốn tránh và không liệt kê thành phần này.
Trên trang web của mình, FDA cảnh báo: “Người tiêu dùng nên kiểm tra ngay nhãn mác các sản phẩm chăm sóc da đang sử dụng. Nếu phát hiện sản phẩm nào có chứa “mercurous chloride”, “calomel”, “mercuric”, “mercurio” hoặc “mercury” thì phải ngưng sử dụng ngay lập tức và báo cho cơ quan chức năng”.
Ngoài ra khi vứt những sản phẩm có chứa thủy ngân thì phải bỏ trong túi nylon kín và phân loại rác.
-----------------------------------------------------------------------
- Phần 1: Hiểu về da và cơ chế làm trắng da (https://www.facebook.com/notes/1631118600456775/)
- Phần 3: Các chất làm trắng da TỰ NHIÊN & AN TOÀN (https://www.facebook.com/notes/1635353840033251/)
- Phần 4: Những thành phần KHÔNG nên kết hợp trong cùng 1 sản phẩm (hết) (https://www.facebook.com/notes/1636494459919189/)
(Bài viết này là kiến thức của LoTA học hỏi và tự mình viết ra, không sao chép từ bất kỳ nguồn nào (hình ảnh tìm trên mạng đều có ghi rõ link). Mọi người vui lòng không sao chép, trích dẫn dưới mọi hình thức mà chưa có sự đồng ý của LoTA. Xin cảm ơn!)
Đăng nhận xét